17
Th3

Đền bù không thỏa đáng, người dân có quyền từ chối giao lại đất?

Đền bù không thỏa đáng, người dân có quyền từ chối giao lại đất?

 
Giá bồi thường, giải phóng mặt bằng là vấn đề quan tâm hàng đầu của người dân khi Nhà nước thu hồi đất. Để biết người dân có quyền từ chối giao lại đất khi đền bù không thỏa đáng hay không hãy xem bài viết dưới đây.

 

Phải trả lại đất khi Nhà nước thu hồi?

* Không trả lại đất sẽ bị cưỡng chế thu hồi

Nhà nước có quyền thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (các trường hợp thu hồi được nêu rõ tại Điều 61 Luật Đất đai 2013) và thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 62 Luật Đất đai 2013).

Sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất nếu người sử dụng đất không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.

Nội dung này được quy định rõ tại điểm d khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai 2013 như sau:

“Trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật này.”.

* Người sử dụng đất không có quyền thỏa thuận giá bồi thường

Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người sử dụng đất có nghĩa vụ chấp hành và không có quyền thỏa thuận giá bồi thường.

Nói cách khác, Nhà nước quyết định giá bồi thường về đất theo giá đất cụ thể (giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai và áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp).

Ở Việt Nam, người sử dụng đất không có quyền thỏa thuận giá bồi thường (dù được nêu ý kiến khi lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng). Người dân không được thỏa thuận giá bồi thường vì không phải là chủ sở hữu đất đai, thay vào đó chỉ là “người sử dụng đất”.

Quyền sở hữu đất đai được Hiến pháp 2013 và Luật Đất đai 2013 quy định rõ: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”.

Tóm lại, dù người sử dụng đất nhận thấy giá đền bù không thỏa đáng thì vẫn phải bàn giao lại đất cho Nhà nước, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế thi hành; trường hợp có căn cứ cho rằng cơ quan nhà nước làm sai thì người sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện hành chính.

Điều kiện, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất

* Điều kiện thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất

Khoản 2 Điều 71 Luật Đất đai 2013 quy định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

(1) Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động, thuyết phục.

(2) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

(3) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành.

(4) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.

* Thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế

Khoản 3 Điều 71 Luật Đất đai 2013 quy định người có thẩm quyền ban hành và thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương).

* Trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế

Căn cứ khoản 4 Điều 71 Luật Đất đai 2013, trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế.

Bước 2: Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế.

– Nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

– Nếu người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Bước 3: Tổ chức thực hiện cưỡng chế

Trên đây là quy định giải đáp cho câu hỏi: Người dân có quyền từ chối giao lại đất khi đền bù không thỏa đáng hay không? Theo đó, Nhà nước ban hành quyết định thu hồi đất phải bàn giao lại đất, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế thu hồi.

Trên thực tế thu hồi đất là vấn đề phức tạp, thậm chí có tình trạng đền bù với giá rất thấp nhưng doanh nghiệp phân lô, bán nền chính thửa đất đó với giá rất cao dẫn đến bức xúc của không ít người dân.

Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp “gom đất” theo hình thức nhận chuyển nhượng, thuê đất để làm dự án thì người dân có quyền thỏa thuận giá chuyển nhượng, giá thuê đất.