15
Th2

Khi nào vợ bán nhà không cần sự đồng ý của chồng?

Khi nào vợ bán nhà không cần sự đồng ý của chồng?

 
Việc Sổ hồng nhà ở đứng tên một người nhưng vẫn có thể là tài sản chung, khi bán hoặc tặng cho phải có sự thỏa thuận của vợ chồng bằng văn bản. Nếu nhà ở là tài sản riêng thì vợ bán nhà không cần sự đồng ý của chồng.

 

Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

“Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”.

Theo quy định trên, khi nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ thì vợ có quyền bán, tặng cho, để thừa kế theo ý chí của mình.

Việc ai có quyền bán nhà rất đơn giản nhưng xác định khi nào nhà ở là tài sản riêng, khi nào là tài sản chung khá phức tạp, nhất là nhà ở có được trong thời kỳ hôn nhân.

Để xác định rõ khi nào nhà ở là tài sản riêng cần xem xét theo 02 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Chế độ tài sản riêng vợ chồng theo luật định (rất phổ biến tại Việt Nam)

Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”.

Theo đó, nhà ở thuộc những trường hợp sau đây là tài sản riêng của vợ và khi bán không cần sự đồng ý của chồng:

– Nhà ở có trước khi kết hôn.

– Nhà ở được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.

– Nhà ở được thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân.

– Nhà ở được mua hoặc được xây bằng tài sản riêng của vợ.

– Nhà ở được vợ chồng thỏa thuận chia trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp chia nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ như: Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ thanh toán khi phá sản; nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức,…

Trường hợp 2: Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận

Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.

Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm: Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình,…

Theo đó, nếu vợ chồng có thỏa thuận nhà ở có được trong thời kỳ hôn nhân bằng tiền lương, tiền công của một người hoặc bằng các thu nhập khác là tài sản riêng của mỗi người thì khi bán nhà không cần sự đồng ý của người còn lại với điều kiện thỏa thuận về chế độ tài sản đó không bị vô hiệu.

Lưu ý: Trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền bán nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng (theo Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

Kết luận: Trên đây là quy định giải thích về việc khi nào vợ bán nhà không cần sự đồng ý của chồng? Theo đó, nếu nhà ở là tài sản riêng thì vợ có quyền bán mà không cần sự đồng ý của chồng; trường hợp nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải bảo đảm chỗ ở cho người còn lại.